Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Sắc tức thị không, không tức thị sắc

Theo các giải thích của Cao Đài tử điển nghĩa là:


Sắc và Không là hai trạng thái của các vật nơi cõi trần: Sắc là có hình tướng hiện ra thấy được; Không là không hình tướng, không thấy được. Sắc và Không ấy là nói tương đối với con mắt phàm của chúng ta: có hình tướng mà mắt thấy được gọi là Sắc, còn mắt phàm không thấy gì cả thì gọi là Không.

Kinh Bát Nhã của Phật giáo có câu:

Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc;
Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc.

Nghĩa là:
Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc,
Sắc tức là Không, Không tức là Sắc.

Theo quan niệm về nhân sinh của Phật giáo, muôn vật do sự biến đổi mà sanh ra, vốn không có thiệt. Thân thể của chúng ta hay của vạn vật là Sắc, chỉ có tạm trong một thời gian sống, sau đó chết đi, xác thân rã tan biến trở lại thành Không. Rồi từ chỗ Không lại biến hóa thành hình tướng tức là Sắc.

Ai nhận biết được chơn lý Sắc Không nầy thì không còn chấp cái Sắc tướng, tức là chấp cái xác thân nơi cõi trần nầy, thì người đó dứt được phiền não.

Các vật sống trên cõi trần không bền bỉ, thấy có đó (Sắc) rồi lại mất đó (Không). Sự có không ấy rất dễ dàng và mau lẹ như bọt nước trôi sông, như sương đeo ngọn cỏ.

Hơn nữa, cõi trần thuộc Dục giới, con người ham muốn tham lam, ưa vật nầy thích vật nọ và muốn gom về mình càng nhiều càng tốt. Cái túi tham không đáy chứa mãi chẳng đầy.

Lòng tham dục khiến con người đắm đuối mãi trong Tứ Đổ tường: Tửu, Sắc, Tài, Khí, sa mê vào bả lợi danh, cứ quanh quẩn trong trường mộng ảo, không xét kỹ cuộc đời nầy là giả tạm. Các vật sắp bày trên mặt đất đều phải bị hư hoại, mà cứ tham lam bo bo giữ lấy, bỏ chỗ thật mà đi tìm cái giả. Cả cái xác thân nầy cũng là giả tạm, khi xác thân hư hoại thì linh hồn sẽ rời bỏ xác thân để trở về chỗ Hư Không.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, cái Hư Không đó không phải là hoàn toàn trống rổng, không có gì, mà cái Hư Không ấy là một khối sinh động mãnh liệt vô biên, bao gồm đủ mọi cảnh giới, mọi trạng thái, đủ các pháp, mà từ đó sanh ra tất cả.

Không sanh ra Sắc, rồi Sắc trở lại thành Không. Vạn vật cứ thế biến đổi một cách tuần hoàn trong vòng sanhtử luân hồi.

Sắc không là chỉ giáo lý của Phật giáo, hay chỉ sự tu hành.
Nguồn tham khảo ở đây

Không có nhận xét nào: